Lòng dân hướng về biển Đông

Ảnh

Biển Đông nóng lên với những hành động xâm lấn, hay nói đúng hơn là xâm lược từ phía Trung Quốc. Tại kỳ họp Quốc hội, các vị đại biểu dân cũng nêu những bức xúc liên quan đến hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với biển đảo thuộc chủ quyền của ta.

Báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội nhận định, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ chưa thể hiện rõ về vấn đề biển Đông, chưa đánh giá đầy đủ về công tác đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có báo cáo mới nhất về tình hình biển Đông để đại biểu nắm bắt, báo cáo cử tri. 

Rõ ràng, không thể không trả lời với cử tri những diễn biến trên biển Đông. Nếu như cử tri chất vấn đại biểu rằng, tại sao để cho tàu cá Trung Quốc húc vỡ tàu cá Việt Nam, tại sao để cho Trung Quốc bắt giữ tàu cá ngư dân Việt Nam, tại sao Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Vịêt Nam, tại sao chúng ta chỉ có những phát ngôn phản đối mà chưa thể hiện các biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ ngư dân, ngư trường và chủ quyền lãnh thổ?

Nhân dân có quyền đặt ra những câu hỏi đó và đại diện của dân phải có trách nhịêm trả lời. Lòng dân đang hướng ra biển Đông, lòng dân đang như lửa đốt vì thấy Trung Quốc gặm nhấm đất đai, biển cả của cha ông để lại.

Trên mặt trận khác, các học giả Trung Quốc đăng đàn phát bỉểu quan điểm hiếu chiến, đòi dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển Đông, đi ngược lại với tinh thần chung của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Trong lúc đó, học giả của Việt Nam lại đưa ra quan điểm hòa bình, hợp tác, hòa hiếu với các nước.

Ngày 1.6.2013, Hội Chuyên gia Việt Nam tại Singapore (Việt Nam 2020) sẽ tổ chức về buổi nói chuyện về đề tài: “Cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông”, do Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã trình bày.

Bạn đọc Dân trí còn nhớ, tháng 6. 2012, trong chuyến làm việc tại Mỹ để dịch các công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông, tiến sĩ Nguyễn Nhã gửi một bức tâm thư cho các bạn trẻ Việt Nam, báo Dân trí đã trích đăng với tụa đề “Tâm thư của một người yêu nước”. Bức thư đã gây xúc động và khơi gợi lòng yêu nước của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Trước chuyến điSingapore, tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng viết một bức thư, xin được trích đăng:

“Sự hung dữ hiện nay ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp lẽ phải, bất chấp sự thật lịch sử đang đe dọa trật tự, hòa bình ổn định thế giới. Có nhiều người, nhiều nước hiện nay chỉ quan tâm đến Biển Đông, đến tự do hàng hải, còn việc tranh chấp chủ quyền biển đảo là chuyện nội bộ các bên. Song có biết đâu chính sự tranh chấp chủ quyền biển đảo bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp sự thật lịch sử khiến dẫn đến sự rắc rối, hung dữ tại Biển Đông.

Theo tôi, sự thật lịch sử, lẽ phải cũng như luật pháp quốc tế hiện hành trong đó có Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Luật Biển 1982 của Liên Hiệp Quốc phải được quảng bá qua giáo dục cũng như qua các phương tiện truyền thông thế giới đến nhân dân các nước trên thế giới, nhất là tại các nước có tranh chấp để nhân dân đấu tranh buộc các nhà cầm quyền các nước không được dối trá, không được hung dữ, tôn trọng lẽ phải, sự thật lịch sử, luật pháp quốc tế. Có như thế mới mong trật tự, hòa bình ổn định thế giới, vận mệnh của người dân  được bảo đảm và những nguy cơ hủy diệt nhân loại, thế giới mới mong được đẩy lùi”.

Tinh thần hòa hiếu trong ngọai giao đồng thời kiên quyết không chịu nhân nhượng trước bất kỳ lực lượng xâm lược nào, đó là sự khác biệt này tạo nên hình ảnh của Việt Nam, được thế giới ủng hộ và tôn trọng. Và đó cũng chính là lòng dân đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ trên biển Đông.

Bài đăng trên Dân Trí  ngày 31.5.2013

 

Leave a comment